Tuổi trẻ và bài toán về sự lựa chọn

 

Cuộc sống luôn phức tạp, không đơn giản là sự lựa chọn giữa đúng và sai, tốt và xấu, mà còn là giữa tốt và tốt hơn, tốt và tốt nhất. Điều này còn khó hơn nhiều

Có một khái niệm kinh tế học hồi năm nhất mình thấy hay và thấm đến tận bây giờ: chi phí cơ hội. Đại khái, đó là lợi ích mất đi khi bạn lựa chọn phương án này mà không chọn phương án khác. Đơn giản vậy thôi nhưng giải được nó cũng đủ đau đầu rồi.

Là sinh viên năm cuối, có ti tỉ thứ phải làm, cần làm, thích làm trong khối thời gian có hạn. Trong điều kiện nguồn lực khan hiếm như thế, chi phí cơ hội lại càng trở nên đắt đỏ. Đôi khi, phép thử và sai chưa hẳn là đã tốt, bởi trong giai đoạn nước rút này, mỗi quyết định sẽ định hình ngày mai. Tương lai, thành công hay thất bại, đâu đó rất gần rồi.

Sinh viên năm cuối, có đứa đã kiếm bội tiền, đứa vẫn phụ thuộc vào bố mẹ. Có đứa đã vạch rõ con đường tương lai, đứa còn loay hoay mơ hồ chẳng hiểu rõ chính mình. Đứa sẵn sàng vò võ làm việc không công để tìm kinh nghiệm, đứa xách ba lô rong ruổi khắp nơi cho bõ thời tuổi trẻ tự do, đứa chọn công việc chân tay kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống thị thành. Đứa còn vật lộn tiếng Anh, đứa đã xì xồ ngoại ngữ mới. Rồi chứng chỉ này, bằng cấp nọ. Có vô vàn những lựa chọn khác nhau dành cho mỗi người.

Vấn đề là, chúng ta lựa chọn trong những hoài nghi của bản thân, so sánh thiệt hơn, đứng núi này trông núi nọ. Ấy là lúc bài toán chi phí cơ hội, được mất, hơn thua lại dày vò.

Cuộc sống luôn phức tạp, không đơn giản là sự lựa chọn giữa đúng và sai, tốt và xấu, mà còn là giữa tốt và tốt hơn, tốt và tốt nhất. Điều này còn khó hơn nhiều.

Còn nhớ dòng tâm sự của ai đó từng đọc trên Facebook: Một cô gái còn trẻ và giỏi giang, sẵn sàng từ bỏ công việc lương cao để mở shop thời trang riêng, được thiết kế may đo, sống với đam mê, ngày ngày tỉ mẩn với những thứ mình thích. Vậy mà mỗi khi đáp lại câu hỏi xã giao “Cháu đang làm gì?”, vẫn chạnh lòng khi thấy ánh mắt dè dặt, khinh khỉnh của người kia, kiểu “Học đại học mà lại đi bán quần áo?”. Vậy đó, xã hội đâu cần quan tâm đến chuyện bạn cần gì, bạn thấy hạnh phúc không. Người ta đo đạc thành công bằng lương tháng.

Tóm lại thì, cuộc đời, số mệnh nằm trong tay bạn, do bạn định đoạt. Chỉ có chính mình mới hiểu bản thân cần gì. Steve Jobs có nói câu thấm thía: “Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Hãy biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”.

Dẫu sao, biết thứ mình đam mê và theo đuổi nó đã là một điều tuyệt vời. Sinh viên năm cuối, có ai đó vẫn loay hoay cho câu hỏi: Mình là ai? Mình sẽ làm gì? Tương lai là một cái gì đó mơ hồ. Rồi những thất bại, chỉ trích, tuyệt vọng dễ dàng khiến ta hoài nghi, mất niềm tin về những giá trị của bản thân, cho rằng mình không thể.

Có một bài học của Steve Jobs, tạm gọi là “connecting dots – kết nối những dấu chấm”, rằng: “Chúng ta không thể kết nối các dấu ấn tương lai, bạn chỉ có thể móc nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Vậy hãy tin rằng các dấu chấm, các sự kiện trong cuộc đời bạn về mặt này hay mặt khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó – sự can đảm, số phận, cuộc đời, định mệnh hay bất cứ điều gì”.

Sinh viên năm cuối, thực ra là một sự bắt đầu. Cứ đi rồi sẽ đến. Chỉ cần tìm thấy một dấu hiệu nhen nhóm thôi, cần mẫn góp nhặt, kết nối từng đốm sáng nhỏ nhoi, là sẽ thấy ánh sáng soi rọi cuối đường. Hãy cứ tin là như thế.

Giống như hôm nay, như thói quen, hỏi một người về quyết định của bản thân khi phân vân giữa những lựa chọn, để nhận lại câu trả không như mong đợi “Tùy”.

Mà hóa ra, câu trả lời cụt ngủn đó lại khiến mình cảm thấy thỏa mãn.

Ừ, thì cuộc sống là của mình, do bản thân mình định đoạt mà thôi.

 


Bình luận về bài viết này